Thành phố Mokpo là điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình khám phá tỉnh Jeollanam-do của mình với nhiều cảm xúc lưu luyến và đam mê rất khó quên. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Sau Yeosu, Sucheon, Gangjin và Sinan, mình và các bạn supporter trong đoàn tiếp tục chặng cuối cuộc hành trình tại thành phố Mokpo – nơi dẫn lối cho mình tới những trải nghiệm dạt dào cảm xúc: từ sự vui thích, ngạc nhiên, suy tư đến nỗi nhớ nhung, tiếc nuối bởi chuyến đi đã khép lại mang theo vô vàn kỉ niệm đong đầy khắc ghi vào tâm khảm. Một lần nữa, Jeollanam-do đã khẳng định tiềm năng du lịch vô cùng thu hút của nó. Mặt khác, đối với mình, Jeollanam-do còn là nơi tạo ra “thế giới riêng” rất đặc biệt mà bản thân có thể thoải mái tận hưởng thời gian nghỉ ngơi và chữa lành tâm hồn hiệu quả.
Vì vậy, để kết thúc series khám phá nét lãng mạn ở Jeollanam-do, các bạn hãy theo chân mình tìm hiểu sự hấp dẫn, lôi cuốn tại thành phố Mokpo ngay bây giờ nhé !
Phần 3: Tận hưởng cung bậc đầy đam mê tại Mokpo
1. Cảm nhận làn gió biển Mokpo mát lành bằng trải nghiệm du thuyền hấp dẫn:
Mình và một số bạn trong đoàn supporter của tỉnh Jeollanam-do (từ trái sang phải) như: Tamesha Nyesha Scott, Jarina Miya, John Siwook Sun và hướng dẫn viên Lee Chang Woo đã tìm đến bến du thuyền Mokpo ở đảo Samhakdo để trải nghiệm hoạt động thú vị này. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Do Mokpo được xem là một trong những địa điểm du lịch đô thị hàng đầu tại Jeollanam-do, đồng thời nó còn là cảng biển sở hữu không gian bao phủ sự bình lặng, thiên nhiên đượm chút mộc mạc, hoang sơ. Vì thế, muốn tận hưởng rõ rệt nhất nét thu hút ấy từ Mokpo, thì không có gì lãng mạn hơn bằng trải nghiệm thông qua việc đi du thuyền.
Để tham gia hoạt động trải nghiệm du thuyền, mình và các bạn supporter cùng đoàn đã tìm đến bến du thuyền Mokpo thuộc đảo Samhakdo. Nơi đây hiện ra trước mắt mình thật lôi cuốn với những chiếc du thuyền trắng đủ kích cỡ lớn nhỏ xếp hàng dài neo đậu khá trật tự và quy củ - cảnh tượng trông tựa hồ như một bến cảng nên thơ tại trời Âu xa xôi.
Sau khi đặt chân lên thuyền, mặc áo phao theo chỉ dẫn của thuyền trưởng, định vị được chỗ ngồi hợp lý và ngả lưng thư giãn, chiếc du thuyền bắt đầu rẽ sóng nhẹ nhàng rời Cảng nội địa Mokpo rồi đưa chúng mình ra khơi thả hồn cùng làn gió biển mát rượi. Bên cạnh đó, thời tiết cũng cực kì chiều lòng người vì không quá lạnh.
Trải nghiệm du thuyền của mình trở nên hấp dẫn hơn với những hoạt động bao gồm: cho chim hải âu ăn bánh, ngắm nhìn nét kì vĩ của cầu Mokpo, thưởng ngoạn sự mê hoặc của đảo Gohado và dùng BBQ thơm ngon ngay trên du thuyền. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Đắm chìm vào hơi thở sâu lắng từ đại dương mênh mông, mình có thể chậm rãi quan sát cảnh sắc tuyệt vời của đảo Gohado – địa điểm từng là khu vực được Đô đốc tài ba Yi Sun Shin lựa chọn trở thành vị trí chiến lược trong trận đánh huyền thoại Myeongnyang (Minh Lương đại tiệp). Trên đảo, cây cối phát triển xanh tươi mọc xen kẽ giữa các vách đá, hang động, đồng thời kết hợp hài hòa với cây cầu ven biển thiết kế ôm vừa vặn lấy hòn đảo tạo thành lối đi bộ, giúp du khách sở hữu “view” ngắm biển khá lý tưởng.
Mặt khác, lúc chiếc du thuyền chạy sát đất liền, mình trông thấy rất rõ cả Đại học Hàng hải Quốc gia Mokpo, đặc biệt là hình ảnh đầy kì vĩ của cầu Mokpo. Từ dưới chân cầu, mình phải cảm thán và ngạc nhiên nhiều lần bởi vẻ đẹp từ ngọn tháp chính trông giống như cánh chim hạc đang vút bay. Khung cảnh lộng lẫy ấy đến bây giờ mình vẫn mãi ghi nhớ vì tạo nên ấn tượng thị giác mạnh mẽ về một Mokpo cuốn hút và hấp dẫn.
Ngoài thời gian tận hưởng sự thơ mộng, hít thở bầu không khí dễ chịu của biển Mokpo, thì bữa ăn trưa chủ đạo với món thịt bò Hàn, bụng lợn, kèm xúc xích nướng, Mandu và Tangsuyuk + Salad chua ngọt kích thích vị giác còn khiến trải nghiệm đi du thuyền thêm tươi vui và trọn vẹn hơn. Song song đó, mình khá thích phương thức thuyền trưởng hướng dẫn cả đoàn dùng bánh thả cho những chú chim hải âu ăn – đây là lần đầu tiên mình quan sát hải âu ở khoảng cách gần như vậy nên đã không bỏ lỡ khoảnh khắc “chớp” ngay vài kiểu ảnh lưu niệm.
2. Thưởng ngoạn nét lãng mạn của thành phố bằng tuyến cáp treo biển Mokpo
Đoàn chúng mình di chuyển đến ga Gohado, sau đó mua vé đi lên tuyến cáp treo Mokpo. Từ trên cao, mình có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của trời mây hòa quyện cùng núi non xanh tươi, bên cạnh cuộc sống êm ả mà người dân Mokpo đang tận hưởng. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Khánh thành vào tháng 9/2019, được mệnh danh là “thắng cảnh du lịch mà người Hàn phải ghé thăm”, đồng thời là tuyến cáp treo dài nhất Hàn Quốc, đến với tuyến cáp treo biển Mokpo, du khách sẽ cảm thấy hài lòng bởi tầm nhìn hòa trộn giữa một bến cảng lãng mạn và sự xinh đẹp của quần đảo thông qua chiếc “view” bao quát toàn cảnh cực kì lôi cuốn.
Mặc dù từng đề cập về tuyến cáp treo biển Mokpo ở series bài viết “Du lịch qua màn ảnh”, tuy vậy, trải nghiệm thực tế tại đây đối với mình vẫn rất mới mẻ. Ngồi an vị trong cabin cùng các bạn supporter quốc tế bên ánh nắng chiều nhè nhẹ, mình có thể hướng đôi mắt ra phía xa, đón nhận hơi thở cuộc sống chậm rãi và yên ả của người dân Mokpo từ trên cao. Supporter Wang Jie chia sẻ rằng bạn ấy đã đi cáp treo khá nhiều lần ở Trung Quốc, thế nhưng, trải nghiệm tuyến cáp treo biển Mokpo vẫn là khoảng thời gian bạn ấy cảm thấy tâm hồn mình thoải mái và thanh bình hơn cả.
Đứng tại đài quan sát ở trạm núi Yudalsan, mình bắt đầu phóng tầm mắt quan sát xung quanh - khu vực được bố trí đơn giản nhưng vẫn mang đến nét thu hút. Đặc biệt, quang cảnh lung linh của núi Yudalsan và vọng gác Gwanungak từ xa khiến mình rất ấn tượng. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Đáng tiếc, vì nguyên nhân khách quan, chúng mình chỉ khởi hành nửa chặng đường với xuất phát điểm tại ga Gohado (Gohado Station), chúng mình đã dừng chân ngay trạm núi Yudalsan (Mt. Yudal Station), nơi này hiện xây dựng một đài quan sát đơn giản nhưng đầy tinh tế sở hữu thiết kế sân vườn ngoài trời thoáng đãng tạo nên “mảng xanh” dịu mắt, bên cạnh việc bố trí một vài tiểu cảnh nhỏ để du khách check-in, chẳng hạn như: biểu tượng đôi cánh hay dòng chữ “Yudal” đi kèm hình ảnh đại diện khoang cabin xinh xắn của tuyến cáp treo biển Mokpo,...
Mặt khác, đài quan sát còn khéo léo đặt thêm một chiếc ốm nhòm cỡ lớn nhằm giúp du khách thuận tiện nhìn ngắm thành phố Mokpo. Đặc biệt, đứng ở một góc tại đây, mình có thể thưởng lãm vẻ đẹp kì vĩ từ núi Yudalsan cùng vọng gác Gwanungak phía xa xa – nó là một kiến trúc sở hữu chiếc “view” rõ nét trông thẳng ra đảo Gohado, vị trí bên dưới đỉnh Ildeungbong và nằm ngay điểm cao nhất trong số các công trình thuộc địa phận núi Yudalsan.
3. Trầm lắng bên không gian văn hóa và lịch sử hiện đại đầy hoài niệm của thành phố Mokpo
Không gian văn hóa và lịch sử hiện đại Mokpo tạo cho mình cảm giác hoài cổ pha lẫn sự trẻ trung đương thời từ các quán cá phê, tiệm bánh, workshop sắp xếp đan xen nhau. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Sau trải nghiệm vui vẻ và háo hức với tuyến cáp treo biển Mokpo, đoàn chúng mình tiếp tục di chuyển tham quan một số di tích gắn liền cùng thời kì Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên tọa lạc ở khu vực “Không gian văn hóa và lịch sử hiện đại Mokpo” – nó được coi là một “bảo tàng không mái” đã chỉ định thành tài sản văn hóa cấp quốc gia, chứa đựng nhiều dấu ấn dân tộc mang ý nghĩa quan trọng đối với đất nước Hàn Quốc.
Một số hình ảnh, di tích mang giá trị văn hóa phản ánh phần nào quá khứ của đất nước Hàn Quốc bao gồm: bức tượng người lao động cầm cuốc bên dòng chữ “Mokpo dạ hành”, cột mốc đánh dấu nguồn gốc quốc lộ 1 và 2, tượng “Cô gái hòa bình”, và nhà thờ Cơ đốc giáo Nhật Bản cũ. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bao trùm toàn bộ khu vực là nét hoài cổ, bình yên, đan xen giữa thực tại và quá khứ. Song hành cùng sự tươi trẻ đương thời thể hiện qua những quán cà phê, tiệm bánh, workshop nhỏ xinh, thiết kế bằng tông màu dễ thương, thì phảng phất đâu đó kỉ niệm về một giai đoạn khó khăn vẫn còn vương vấn khá rõ nét: từ bức tượng mô phỏng hình ảnh người dân Hàn Quốc vất vả lao động với cây cuốc cầm trên tay, bên cạnh dòng chữ “Mokpo dạ hành”, đến bức tượng “Cô gái hòa bình” đặt trước lối vào Lãnh sự quán Nhật Bản cũ (nay trở thành bảo tàng lịch sử phục vụ mục đích tìm hiểu văn hóa, đây cũng là địa điểm được đưa làm bối cảnh của phim “Hotel Del Luna”) – bức tượng hàm chứa thông điệp sâu sắc phản ánh danh dự và bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ từng chịu đau khổ trong giai đoạn Nhật Bản đô hộ; hay tại con đường đi xuống từ Lãnh sự quán Nhật Bản cũ, cột mốc đánh dấu nguồn gốc tuyến quốc lộ 1 và 2 còn đứng vững theo năm tháng (bây giờ, con đường đã mở rộng với điểm xuất phát chuyển đổi sang đảo Gohado và thị trấn Jangsang-myeon thuộc huyện Sinan-gun); hoặc kiến trúc bằng đá thấm đượm nét cổ điển của Nhà thờ cơ đốc giáo Nhật Bản cũ tuy bạc màu, thế nhưng địa điểm dường như vẫn khiến du khách quay ngược dòng lịch sử để thấu cảm hơn về một thời kì đầy gian khó mà người dân Hàn Quốc phải nếm trải.
4. Bữa tối ấm áp và lưu luyến cùng các đặc sản ở thành phố Mokpo
Đoàn chúng mình được mời tham gia tiệc tối thân tình trước khi chia tay, tại nhà hàng thiết kế theo phong cách truyền thống ấm áp cùng đại diện từ văn phòng Jeonnam Hàn Quốc là ông James Cho (ảnh trên) – Giám đốc team marketing du lịch. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Kết thúc những phút giây lắng đọng và tích cóp thêm hiểu biết liên quan đến Mokpo, đoàn chúng mình tiến bước đến nơi tổ chức tiệc tối thân tình cùng đại diện từ văn phòng tỉnh Jeollanam-do tại Hàn Quốc bao gồm: Giám đốc team marketing du lịch – James Cho và nhân viên phòng du lịch – Na Su Mi.
Mình đã được thưởng thức một số món ăn đặc trưng của thành phố Mokpo và tỉnh Jeollanam-do bao gồm: Tteokgalbi mọng nước, Yangnyeom Gejang thấm vị đi kèm Banchan hấp dẫn, cá thu và cá hố nướng muối bùi béo, đậm đà. Đặc biệt, Makgeolli thủ công làm mình nhớ mãi bởi hậu vị nhè nhẹ, mang lại cảm giác chân chất, mộc mạc, dễ chịu. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Trong không gian nhà hàng có kiến trúc lưu giữ trọn vẹn nét cổ điển của kiểu nhà truyền thống Hanok, kết hợp việc bao phủ bằng ánh đèn vàng ấm áp, đoàn chúng mình được thưởng thức một số đặc sản “iconic” đại diện cho thành phố biển Mokpo, chẳng hạn: cá thu và cá hố nướng muối bùi béo với phần thịt cá thơm mềm cùng những hạt muối biển tinh khiết giúp cả 2 món cá thêm dậy vị, Tteokgalbi (sườn chả băm viên nướng) mọng nướng, thơm lừng, sở hữu từng thớ thịt dai dẻo tựa bánh gạo, hay món Yangnyeom Gejang (cua xốt cay) thấm đượm gia vị ướp, phần thịt cua có kết cấu tan ra như thạch ăn kèm cơm trắng nóng hổi và nhiều loại banchan hấp dẫn.
Đặc biệt, bữa tối hôm ấy còn khiến mình khá ấn tượng bởi lần đầu mình được thử qua Makgeolli (rượu gạo) sản xuất thủ công: nó thu hút mình từ vị chua nhẹ êm ái nhưng lại không quá ngọt, hậu vị dễ chịu mang đến người dùng cảm giác chân chất, mộc mạc và gần gũi rất đỗi lạ kì.
Vậy là chuyến hành trình khám phá nét lãng mạn tại Jeollanam-do đã kết thúc trong sự vấn vương và lưu luyến. Giờ đây, khi ngồi suy tư ở căn nhà quen thuộc, nỗi nhớ về một Jeollanam-do hiền hòa, dịu dàng và đằm thắm vẫn hiện ra sống động trước mắt mình. Cảm ơn văn phòng Jeonnam HCM, văn phòng Jeonnam Hàn Quốc, các bạn đồng hành và hướng dẫn viên điều hướng tour – tất cả đã tạo nên kỉ niệm thật đẹp, thật ấm áp và đầy đam mê. Mình hi vọng sẽ có dịp trở lại Jeollanam-do vào một ngày không xa để tìm hiểu kĩ lưỡng và thu thập nhiều điều ý nghĩa hơn nữa.
Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà, hrhr@korea.kr
0 Comment: